Thực trạng quân sự của Hà Lan trước chiến tranh Trận_Hà_Lan

Lực lượng và trang thiết bị

Hà Lan có đủ mọi điều kiện khách quan đáp ứng khả năng kháng chiến thắng lợi: dân số đông, giàu có, trẻ, có kỷ luật và được giáo dục tốt; địa hình thuận lợi cho phòng thủ cùng với một nền kỹ thuật công nghiệp mạnh, bao gồm cả công nghiệp quân sự. Thế nhưng, những thuận lợi đó đã không được tận dụng tốt: trước Quân đội Đức Quốc xã lúc này vẫn chưa hoàn thành trang bị và huấn luyện, Quân đội Hà Lan vẫn như chàng tí hon David trước gã khổng lồ Goliath.[36] Giai thoại về ưu thế trang bị nói chung của Đức so với quân đội đối phương trong trận chiến nước Pháp chỉ đúng với trường hợp Trận Hà Lan. Trong khi Quân đội Đức trang bị hiện đại với số lớn xe tăng và máy bay ném bom bổ nhào (như loại Junkers Ju 87 - Stuka) thì lực lượng thiết giáp của Quân đội Hà Lan chỉ vỏn vẹn có 39 xe thiết giáp và 5 xe tankette, còn Không quân Hà Lan được trang bị đa số bằng máy bay hai tầng cánh. Thái độ sợ chiến tranh của chính phủ Hà Lan khiến cho các lực lượng vũ trang của đất nước ở tình trạng lạc hậu về trang bị, y như ở thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất,[37] thậm chí không thích đáng so với tiêu chuẩn của năm 1918.[38] Trong thập niên 20, cuộc suy thoái kinh tế 1920 - 1927 và tình hình quan hệ quốc tế ổn định khiến ngân sách quốc phòng co nhỏ lại[9] với khoảng 1.5 triệu guilder được chi cho mua sắm mới trang thiết bị quân sự.[39] Trong các năm 1931 và 1933 chính sách thắt chặt ngân sách rốt cuộc thất bại đơn giản vì không còn gì để thắt nữa, mà ngược lại cần gấp rút nới rộng chi tiêu[40] Nhưng cũng phải chờ đến tài khóa 1936 thì khoản chi đặc biệt 53.4 triệu guilder cho công tác quốc phòng mới được thông qua.[6]

Tuyến phòng thủ của Hà Lan

Do nguồn nhân lực đã qua huấn luyện quân sự đã thiếu lại không có một tổ chức chuyên nghiệp đủ lớn, kèm theo đó là thiếu nguồn dự trữ vật chất, nên người Hà Lan không thể phát triển nhanh chóng lực lượng của mình.[41] Số pháo lớn chỉ có vừa đủ để trang bị cho các đơn vị lớn: 8 sư đoàn bộ binh (tổ chức thành 4 quân đoàn), 1 sư đoàn khinh binh (cơ giới) và 2 lữ đoàn độc lập A và B, mỗi lữ đoàn có quy mô bằng nửa sư đoàn hoặc 5 tiểu đoàn. Tất cả các đơn vị bộ binh chiến đấu khác được biên chế thành các tiểu đoàn bộ binh nhẹ phân tán trên toàn lãnh thổ để làm nhiệm vụ trì hoãn đối phương tiến quân.[42] Hệ thống phòng ngự kiên cố có khoảng hai nghìn công sự ngầm bằng bê tông,[43] nhưng chỉ bố trí đơn tuyến, thiếu chiều sâu. Không có những pháo đài hiện đại lớn giống như pháo đài Eben-Emael của Bỉ; hệ thống công sự hiện đại duy nhất nằm tại khu Kornwerderzand bảo vệ tuyến đường Afsluitdijk. Tổng cộng quân lực Hà Lan tương đương 48 trung đoàn và 22 tiểu đoàn bộ binh, chỉ đủ để phòng thủ những đoạn biên giới quan yếu. Trong khi đó, nước Bỉ tuy có dân số ít hơn và độ tuổi nam giới già hơn nhưng đã xây dựng được 22 sư đoàn đầy đủ và khoảng 30 đơn vị nhỏ khác.

Từ tháng 9 năm 1939 Hà Lan cố gắng một cách tuyệt vọng để cải thiện tình hình, nhưng đạt được rất ít kết quả. Người Đức, với những lý do quá rõ ràng, đã cố tình trì hoãn việc cung cấp hàng hóa; người Pháp thì lưỡng lự với việc trang bị cho một đội quân không tỏ rõ lập trường, còn một nguồn vũ khí phong phú sẵn có khác là Liên Xô thì lại không thể tiếp cận vì Hà Lan, không như hầu hết các quốc gia khác, đã không chịu công nhận chế độ cộng sản. Một nỗ lực trong năm 1940 nhằm thu mua nguồn thiết giáp của Liên Xô mà Phần Lan chiếm được cũng đã bị thất bại.[44]

Cho đến ngày 10 tháng 5 năm 1940 sự yếu kém rõ rệt của quân đội Hà Lan đã được phản ánh trong sự thiếu hụt lực lượng thiết giáp.[45] Trái với các nước tham chiến khác đều đã có một lực lượng thiết giáp đáng kể, Hà Lan đã không thể đạt đến con số tối thiểu 146 xe tăng hiện đại (110 chiếc hạng nhẹ, 36 chiếc hạng trung) mà họ đã xác định là cần thiết từ năm 1937.[46] Một chiếc xe tăng Renault FT 17 duy nhất, với một người lái đã qua huấn luyện nhưng cũng chỉ mới tham gia một công tác duy nhất trong bài kiểm tra chống tăng-chướng ngại vật, là chiếc duy nhất còn lại thuộc loại này và không còn được sử dụng trong năm 1940.[47] Có 2 đội xe thiết giáp, mỗi đội có một tá xe Landsverk M36 hoặc M38;[48] một tá xe DAF M39 khác đang trong quá trình đưa vào hoạt động, một số vẫn chưa được trang bị những vũ khí chủ yếu.[49] Cộng thêm một trung đội 5 xe tankette loại Carden-Loyd Mark VI được lực lượng pháo binh sử dụng, đó là tất cả lực lượng thiết giáp của quân đội Hà Lan.

Lực lượng pháo binh hiện có của Hà Lan gồm tổng cộng 676 pháo lựupháo dã chiến: 310 khẩu pháo dã chiến Krupp 75 li; 52 khẩu lựu pháo Bofors 105 li, đây là bộ phận pháo binh hiện đại duy nhất; 144 đại bác Krupp 125 li đã lỗi thời[50]; 40 pháo lựu hạng nặng (sFH13) 150 li; 72 khẩu pháo lựu Krupp 150 li L/24 và 28 pháo lựu Vickers 152 li L/15. Có 386 đại bác chống tăng Böhler 47 li L/39 được sử dụng, đó là loại vũ khí có hiệu quả nhưng quá ít về số lượng, chỉ đạt được 1/3 dự kiến;[51] 300 khẩu pháo dã chiến kiểu cũ loại 6 Veld (57 li) và 8 Staal (84 li)[52] cũng tham gia lực lượng phòng thủ. Chỉ có 8 trong số 120 khẩu pháo hiện đại 105 li đặt hàng tại Đức được chuyển giao vào thời gian cuộc xâm lăng. Hầu hết pháo binh phải dùng sức ngựa kéo.[53]

Bộ binh Hà Lan có trong tay khoảng 2.200 súng máy Schwarzlose M.08 7.92 li và 800 súng máy loại Vickers. Nhiều khẩu trong số này bố trí tại các công sự; mỗi tiểu đoàn được trang bị một bộ súng máy hạng nặng 12 khẩu. Các đội bộ binh Hà Lan được trang bị cùng một súng máy hạng nhẹ, loại súng M20 Lewis với khoảng 8.000 khẩu được sử dụng. Loại vũ khí này cồng kềnh và không thuận lợi cho việc tấn công. Hầu hết lính bộ binh Hà Lan đều trang bị loại súng trường Dutch Mannlicher, một biến thể của loại súng Steyr-Mannlicher M1895, vũ khí này đã được quân đội Hà Lan sử dụng hơn 40 năm và rõ ràng đã lỗi thời, nhưng họ không có đủ tiền để thay thế nó. Ngoài ra còn có 6 súng cối 80 li cho mỗi trung đoàn. Sự thiếu hụt hỏa lực trong các đơn vị cấp thấp đã làm suy yếu năng lực chiến đấu của bộ binh Hà Lan.[54]

Không lực Hà Lan không được biên chế thành một binh chủng độc lập mà là bộ phận của Lục quân,[45] vào thời điểm ngày 10 tháng 5 tổ chức thành một phi đội 155 máy bay: 28 máy bay tiêm kích Fokker G.I hai động cơ; 31 máy bay tiêm kích Fokker D.XXI và 7 máy bay tiêm kích Fokker D.XVII; 10 chiếc Fokker T.V hai động cơ, 15 máy bay ném bom hạng nhẹ Fokker C.X và 35 máy bay ném bom hạng nhẹ Fokker C.V, 12 máy bay ném bom bổ nhào Douglas DB-8 (được sử dụng như tiêm kích)[55] cùng 17 máy bay trinh sát Koolhoven FK-51 — vậy là có 74 trong tổng số 155 máy bay là loại hai tầng cánh. Trong số này có 125 chiếc còn đang hoạt động.[56] Trong số còn lại thì trường không quân có sử dụng 3 chiếc Fokker D.XXI, 6 chiếc Fokker D.XVII, 1 chiếc Fokker G.I, 1 chiếc Fokker T-V và 7 chiếc Fokker C.V, cùng nhiều máy bay huấn luyện. Thêm 40 máy bay khác còn đang hoạt động phục vụ trong Bộ phận Không lực Thủy quân Lục chiến, và một số lượng tương đương máy bay huấn luyện và dự bị.[57] Tiềm năng sản xuất của nền công nghiệp máy bay quân sự Hà Lan, với các hãng sản xuất FokkerKoolhoven, đã không được tận dụng tối đa do những giới hạn về ngân sách.[58]

Mặc dù Hà Lan là trụ sở của công ty Philips, một trong những nhà sản xuất thiết bị vô tuyến lớn nhất châu Âu, nhưng hầu hết quân đội Hà Lan lại chỉ sử dụng đường liên lạc điện thoại, chỉ có pháo binh được trang bị với con số khiêm tốn 225 bộ máy radio.[53]

Trình độ huấn luyện và tính chiến đấu

Quân đội Hà Lan không chỉ có trang thiết bị nghèo nàn; mà còn được huấn luyện rất kém cỏi. Từ năm 1932 đến năm 1936 không có một đợt diễn tập đánh trận hè nào được tổ chức, vì lý do tiết kiệm.[59] Trước chiến tranh chỉ một số ít thanh niên đủ tiêu chuẩn bị gọi đi lính. Cho đến năm 1938 những người đi nghĩa vụ chỉ phục vụ trong 24 tuần lễ, thời gian vừa đủ để tiếp nhận khoá huấn luyện bộ binh cơ bản;[60] từ năm đó trở đi thời gian phục vụ mới được tăng lên 11 tháng.[6] Đến năm 1940 tổng cộng chỉ có 1.206 sĩ quan chuyên nghiệp,[61] năm 1939 có 4.469 sĩ quan chuyên nghiệp không được phong cấp.[62] Sau đợt động viên ngày 28 tháng 8 năm 1939, dù quân lực được tăng lên khoảng 280.000 người,[63] nhưng tính sẵn sàng chiến đấu lại được cải tiến rất chậm: phần lớn thời gian được huy động để làm công tác xây dựng hệ thống phòng ngự.[64] Sự thiếu hụt đạn dược đã làm hạn chế công tác huấn luyện bắn đạn thật.[65] Sự liên kết phối hợp giữa các đơn vị cũng còn kém.[66] Trình độ của quân đội Hà Lan vào tháng 5 năm 1940 vẫn chưa đủ để tiến hành chiến tranh. Đơn giản là họ không thể tổ chức được một cuộc tấn công quy mô lớn, để đơn độc tiến hành cuộc chiến diễn tập trước đó.[67]

Các tướng lĩnh và chiến thuật gia của Đức (cũng như bản thân Hitler) đều đánh giá thấp lực lượng của Hà Lan và tin rằng kể cả khu vực trung tâm Holland cũng có thể bị chiếm đóng chỉ trong vòng từ 3 đến 5 ngày.[68]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Hà_Lan http://www.realmilitaryflix.com/public/760.cfm http://www.youtube.com/watch?v=3ua7PWXkQOg&feature... http://www.youtube.com/watch?v=SSycLky3zGs&feature... http://www.youtube.com/watch?v=Zqb58cSE7Z0 http://www.youtube.com/watch?v=iJQL8qXAXoA&feature... http://www.milavia.net/airforces/netherlands/rnlaf... http://www.cbs.nl/NR/rdonlyres/1FA7DF00-F612-4F46-... http://www.grebbeberg.nl/bibliotheek/data/art00071... http://www.nos.nl/nos/artikelen/2008/12/art000001C... http://www.waroverholland.nl/